1. Đỉa
Đỉa là một nhóm sinh vật thủy sinh thuộc ngành giun đốt (Annelida), có thân mềm, thích tấn công cá và động vật bò sát. Nếu gặp người, chúng cũng không ngán. Con người, trâu bò... khi lội dưới nước, gặp đỉa là chúng bám lấy ngay để hút máu.
Vốn có thể trữ một lượng máu gấp vài lần khối lượng cơ thể, nên phải khi hút no, đỉa mới rời khỏi con mồi. Vì thế, nếu bị đỉa bám vào người, cần lấy chút nước bọt, dầu hỏa hay chút xăng vào đầu ngón tay, rồi dí vào đầu đỉa là nó nhả ra ngay. Nếu có tý vôi, bôi vào đầu đỉa, nó sẽ ứa máu và giãy giụa mạnh đến chết.
Khi hút máu no, đỉa mới rời con mồi
Đỉa bơi rất khỏe, khi bám vào da của người, hay của động vật, gờ cơ ở khoang miệng sẽ hoạt động như lưỡi cưa và gây nên một vết thương hình hoa thị. Hầu có thành cơ khỏe nên hút rất mạnh tạo ra một khoảng chân không, nhờ đó mà đỉa bám rất chắc vào vết thương, kéo ra rất khó. Lớp tế bào biểu bì của đỉa luôn tiết ra một chất dịch nhờn làm cho mặt da đỉa luôn trơn bóng, gây khó bắt.
Tuy nhiên, đỉa không hoàn toàn là động vật có hại. Từ năm 1884, người ta đã tìm ra trong nước bọt đỉa có chất hirudin chống đông máu. Hirudin có trong tuyến đơn bào của thực quản đỉa, đó là đa peptid phân tử lượng 9.000. Hirudin tạo phức vững bền với thrombin, vì vậy thrombin mất khả năng chuyển fibrinogen thành fibrin làm cho máu không đông.
Các nhà khoa học còn cho thấy, nước bọt của đỉa tiết ra hỗn hợp hóa chất như thuốc gây tê (ngăn chặn cảm giác đau ở người bị nó hút máu, để đỉa không bị gỡ ra), chất giãn mạch mở rộng mạch máu nơi vết cắn để đỉa hút được nhiều máu; chất chống đông và chất kháng sinh (giữ cho máu khỏi hỏng trong ruột đỉa suốt thời kỳ tiêu hóa có thể lên đến 6 tháng). Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của Viện đại học Duisbur - Essen (Đức), việc cho đỉa hút máu đầu gối người bị hư khớp giúp giảm đau nhức đáng kể vì khi hút máu, đỉa đưa vào cơ thể người bệnh nhiều chất có tác dụng kháng viêm.
Đỉa trở thàng món hàng được người Trung Quốc "săn mua", với mức giá trên hai triệu đồng một kg.
2. Rệp giường
Vào tháng 8/2010, một khách sạn tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã gọi điện đến Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội thông báo, do hành khách ở đây bị loại côn trùng lạ đốt. Những vết đốt này cũng chảy một ít máu, thấm thành những nốt ti li trên ga trải giường.
Rệp giường thường hút máu vào ban đêm
Bedbug, thường gọi là rệp giường vì chúng rất ưa lẩn trốn trong kẽ giường, chăn đệm. Đáng nói, không riêng chỉ phòng của vị khách nói trên, mà toàn bộ các tầng của khách sạn đều xuất hiện nhiều cá thể này.
Rệp giường có kích thước chỉ khoảng bằng hạt gạo, không to như bọ xít hút máu người nên việc phát hiện khó khăn hơn; chưa kể, loại rệp này đẻ trứng rất khỏe nên có thể “nhân” đàn lên nhanh chóng. Chúng thường hút máu vào ban đêm, nhưng nếu bị đói lâu ngày, chúng sẽ đốt người cả vào ban ngày. Rệp trưởng thành có thể hút máu người khoảng 5-10 phút. Lúc đó, nạn nhân sẽ bị mẩn ngứa, khó chịu đến mất ngủ.
Ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng Phòng thí nghiệm động vật y học, Khoa côn trùng - ký sinh trùng - động vật y học (Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội), cho biết: Rệp giường không phải là loại côn trùng mới phát hiện. Chúng có thể lưu giữ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như dịch hạch, hồi quy, sốt Q, Tularemia, viêm gan B... song đến nay, chưa phát hiện chúng gây lây truyền cho con người, động vật bị đốt.
3. Muỗi
Muỗi là một nhóm sinh vật thuộc lớp côn trùng hợp thành họ Culicidae, bộ hai cánh (Diptera). Chúng có một đôi cánh vảy, một đôi cánh cứng, thân mỏng, các chân dài. Muỗi đực hút nhựa cây và hoa quả để sống, muỗi cái hút thêm máu người và động vật. Kích thước thay đổi theo loài, nhưng ít khi lớn hơn vài mm. Đa số có trọng lượng khoảng 2 đến 2,5 mg. Chúng có thể bay với tốc độ 1,5 đến 2,5 km/h.
Muỗi cái hút thêm máu người và động vật để sống
Muỗi có mặt ở khắp nơi từ vùng ôn đới đến nhiệt đới và đã tồn tại trên hành tinh khoảng 170 triệu năm. Chúng được biết đến như là loài duy nhất truyền các bệnh như: sốt rét, sốt vàng da và một số loại bệnh viêm não, sốt xuất huyết, bệnh giun chỉ...
4. Ruồi trâu
Đây là loài côn trùng kí sinh chân khớp, bộ hai cánh, họ ruồi trâu (Tabanidae). Ở Việt Nam đã phát hiện hơn 80 loài ruồi trâu, trong đó loài phổ biến nhất kí sinh ở vật nuôi là Tabanus rubidus.
Ở Việt Nam đã phát hiện hơn 80 loài ruồi trâu
Ruồi trâu có nhiều ở khu dân cư đông đúc, nhưng hiếm khi vào nhà hay những nơi để đồ ăn với số lượng đáng kể. Nhiều ruồi cái đẻ ấu trùng sống trên thịt vụn hoặc trên phân chó. Chúng thường gây khó chịu ngoài trời gần nơi chó qua lại. Ruồi trâu lớn hơn ruồi nhà (từ 2 đến 3 lần) và màu hơi xám với những ô xám đen ở bụng.
Ruồi trâu đốt, hút máu gia súc và cả con người. Chúng có khả năng hút máu rất nhanh chóng và rất ít bị phát hiện hay đề phòng, bởi ai cũng nghĩ loài ruồi không thể cắn hay đốt người. Trên thực tế, vết đốt và chích máu của ruồi trâu gây đau nhức dai dẳng, có thể kéo dài nhiều ngày và sinh ra những biến chứng khác nhau như sốt cao, co giật, hôn mê ... Ở Việt Nam đã xác định ruồi trâu truyền bệnh nhiệt thán, bệnh tiên mao trùng.
5. Bọ xít
Theo các nhà khoa học, loại bọ xít hút máu người thường sống ở vùng trung du. Ở Việt Nam, loài côn trùng nguy hiểm này từng xuất hiện tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Ở một số quốc gia Trung và Nam Mỹ đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh ngủ Chaga do bị loài bọ xít này hút máu. Nếu bị đốt, người bệnh sẽ sốt cao, tiêu chảy, buồn ngủ, khi chuyển từ thể cấp sang thể mạn, sẽ để lại hậu quả nguy hiểm. Tuy nhiên, tiến sĩ Hồ Đình Trung, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết: "Bọ xít hút máu người là một loại trung gian truyền bệnh, nó chỉ gây bệnh khi hút máu ở nguồn mang bệnh. Nhưng ở Việt Nam không có mầm bệnh, giả sử nếu có thì cũng cực kỳ ít, vì thế bọ xít bị nhiễm bệnh rất nhỏ. Nguy cơ lây bệnh sang người cũng không đáng kể".
Các chuyên gia côn trùng học cũng khuyến cáo người dân và khẳng định, với thời tiết, khí hậu nóng, độ ẩm cao như Việt Nam, loại bọ xít này không nguy hiểm, nếu chẳng may bị đốt sẽ chỉ bị sưng tấy và ngứa ngoài da. Không có cơ sở khẳng định rằng, loại côn trùng này truyền bệnh gây nguy hại đến sức khỏe con người.
Người dân nên dùng lưới sắt, mành để hạn chế loại bọ xít này vào nhà gây phiến phức đến cuộc sống. Nếu chẳng may bị đốt, người dân nên dùng ngay các loại thuốc bôi chống dị ứng do vết đốt côn trùng gây ra, không nên gãi vì điều này sẽ làm da trầy xước và gây bội nhiễm, nhiễm trùng.