Con gián là loại côn trùng ăn chất thải rất mất vệ sinh ở các khu dân cư và được coi là loài gây hại ở hầu hết các căn nhà của chúng ta. Ban đêm chúng thường tìm thức ăn trong bếp, trong chạn, nơi thùng rác, cống rãnh thoát nước. Con gián được coi là loài gây hại vì chúng bẩn thỉu, múi hôi rất khó chịu, huỷ hoại thức ăn ,gặm nhấm đồ vật. Một số người bị dị ứng với gián sau khi thường xuyên va chạm. Gián có thể giữ vai trò mang mầm bệnh đường ruột, như ỉa chảy, kiết lỵ, thương hàn, tả.
Đặc điểm sinh học của Gián
Loài gián thuộc Lớp Côn trùng (Insecta), bộ Cánh gián Blattodea. Tên của Bộ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp là blatta, có nghĩa là loài gián (cockroach). Loài gián tồn tại khắp thế giới, ngoại trừ vùng địa cực và vùng núi cao trên 2000 mét. Loài gián có cơ thể dẹt hướng lưng bụng, thông thường có đôi cánh trước bằng kitin, phủ lên đôi cánh thứ hai và ôm kín lưng. Đầu được dấu dưới phần ngực tròn to. Râu dài và nhiều đốt. Miệng kiểu gặm nhai. Chân thích hợp cho việc chạy. Kích thước cơ thể của chúng khác nhau theo loài. Có thể dài từ 2-3 mm đến 80 mm. Toàn thân có màu nâu sáng hoặc đen. Đa số các loài gián ít khi bay, song chúng bò rất nhanh.
Cho đến nay, có khoảng 3500 loài gián thuộc 6 họ đã được biết đến trên toàn thế giới, song chỉ có một số loài gián nhà được chú ý vì chúng đã thích ứng sống trong nhà ở của chúng ta. Những loài gián nhà thường gặp là:
-Loài gián Mỹ (Periplanete americana): Loài gián này xuất hiện ở hầu hết các khu dân cư trên toàn thế giới. Cơ thể dài 35-40 mm, có màu cánh dán đậm hoặc nhạt hơn. Gián Mỹ đẻ trứng thành ổ, có 16 trứng, xếp thành hàng, chiều dài từ 8-10mm.
-Loài gián Úc (Periplanete australasiae): Gián Úc được gặp chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Loài gián Úc cũng giống loài gián Mỹ, nhưng cô thể nhỏ hơn, dài 31-37 mm, và màu sắc đen hơn. Loài gián này có 2 sọc vàng nhạt từ hai bên gốc cánh kéo xuống 1/3 chiều dài của cánh trước. Một ổ trứng của gián Úc có 22-24 trứng.
-Loài gián Đông phương (Blatta orientalis): Gián Đông phương thường được gặp ở vùng khí hậu mát mẻ. Loài này có kích thước cơ thể nhỏ, dài 20-27 mm, có màu thẫm đen. Ổ trứng xếp thành hàng 10-12 mm và có 16-18 trứng.
-Loài gián có băng vàng, nâu (Supella longipalpa): loài gián có băng vàng, nâu xuất hiện ở hầu hết các khu dân cư trên toàn thế giới. Cơ thể dài từ 10-14 mm và có băng ngang màu vàng nâu. Ổ trứng xếp thành hàng dài 4-5 mm và có 16 trứng.
-Loài gián Đức (Blattella germanica): Loài gián Đức được gặp ở hầu hết các vùng trên thế giới. Cơ thể dài 10-15 mm, có màu nâu vàng sáng. Gián cái thường mang ổ trứng cho tới khi gần nở thành gián con. Ổ trứng có màu sáng, dài 7-9 mm và có 40 trứng.
* Vòng đời của loài gián:
Gián là loài côn trùng tương đối nguyên thuỷ, biến thái không hoàn toàn, vòng đời chỉ trải qua 3 giai đoạn: trứng, thiếu trùng và con trưởng thành. Gián cái đẻ trứng kết dính thành ổ có hình quả đậu. Một số loài, như gián Đức, mang trứng phía sau lưng. Đa số các loài gián khác đẻ trứng sau 1 hoặc 2 ngày. Tuỳ loài, tuỳ điều kiện nhiệt độ, ẩm độ của môi trường, trứng gián có thể nở sau 1 đến 3 tháng.
Gián con hay thiếu trùng, thường không có cánh và kích thước chỉ vài milimét. Khi mới nở có màu trắng và đen dần sau vài giờ. Gián con lớn lên bằng cách lột xác. Gián con phát triển và trở thành gián trưởng thành sau từ vài tháng đến hơn 1 năm tuỳ thuộc vào từng loài. Gián trưởng thành có thể có hoặc không có cánh, bao gồm cả một đôi kết cứng và đôi màng phía dưới.
* Tập tính của loài gián:
Loài gián gây hại sống cùng với người. Loài gián sống và có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới, tuy nhiên ở vùng ôn đới chúng sống trong nhà, nơi ấm áp, ẩm thấp và có thức ăn thích hợp. Loài gián thường sống thành bầy đàn. Loài gián thường hoạt động về đêm. Ban ngày ẩn náu ở hốc, kẽ tường, kẽ cửa, kẽ tủ và những nơi kín đáo ở nhà tắm, chạn bát, ống nước, nhà súc vật, nơi để tivi, radio và các dụng cụ điện khác, cống rãnh thoát nước .v.v... Nếu ban đêm ta bật đèn sáng ở bếp, loài gián có thể chạy loạn xạ trên bát đĩa, đồ dùng nấu ăn, sàn nhà để tìm nơi trú ẩn.
Loài gián nhà thuộc loại ăn tạp và phàm ăn, chúng ăn tất cả các loại thức ăn mà con người sử dụng. Nhưng chúng rất thích chất bột và đường. Chúng nhấm sữa, bơ, bánh ngọt ... Gián cũng nhấm bìa gáy sách, đế giày, lót giày, ăn cả xác lột của chúng, ăn gián chết, máu khô, máu tươi, phân, nhấm cả móng chân, móng tay của trẻ, người ngủ hoặc người ốm.
* Sự phát tán:
Có một số loài gián có thể di cư thành đàn do sự phát triển đông đúc. Chúng di cư đến địa điểm mới bằng cách bò hay bay. Loài gián thường chui vào trong nhà, ẩn náu vào các hộp rỗng, chai, túi đựng thực phẩm và trở thành côn trùng có mặt thường xuyên ở nơi cất giữ thức ăn. Loài gián có thể được đưa đi xa nhờ các phương tiện như máy bay, tàu biển và các loại xe cộ khác.
*Các biện pháp phòng chống gián
Quan trọng nhất là dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Nơi có nhiều gián có thể dùng biện pháp diệt hóa học để diệt chúng, tiếp sau đó là cải tạo môi trường sống để loại trừ nơi trú ẩn và thức ăn của loài gián. Nơi có ít gián, biện pháp dễ sử dụng và có hiệu quả nhất là sử dụng bả và bẫy gián. Sau khi diệt gián, loài gián nhà có thể xuất hiện từ ngoài vào nhà, nơi để thực phẩm, quần áo... Sự có mặt của thiếu trùng (gián con) với các kích thước khác nhau và ổ trứng gián là dấu hiệu chứng tỏ nơi đó là ổ phát triển lâu dài của chúng.
Diệt loài gián bằng hóa chất có thể sử dụng biện pháp phun tồn lưu những nơi gián thường qua lại và ẩn náu, hoặc phun khí dung để các giọt hoá chất treo lơ lửng trong không khí, len vào các ngóc ngách và và rơi vào mình gián. Thường hóa chất pyrethroid được sử dụng phổ biến hiện nay và nó còn có tác dụng xua loài gián ra khỏi nơi trú ẩn để dễ diệt chúng.