Sâu bệnh mới phá hoại hàng chục ngàn hecta thanh long, dừa, khoai mì, khoai lang ở các tỉnh phía Nam Đáng lo ngại là có một số loài sâu bệnh mà nhiều nhà khoa học cũng không biết tên, không biết chúng từ đâu đến.
(Long An), phai cắt bỏ hàng ngàn dây thanh long bị nhiễm sâu bệnh mới |
Trong lúc nông dân bế tắc trong việc phòng trị, phải đốn bỏ cây trồng thì các nhà khoa học vẫn còn đang... nghiên cứu.
Sâu bệnh mới xuất hiện lan nhanh trở tay không kịp
Những ngày này đi đến vùng chuyên canh thanh long huyện Châu Thành (Long An) dễ dàng nhìn thấy rất nhiều trụ thanh long đã bị đốn trụi.
Cạnh đó là vô số nhánh thanh long bị vùi dưới rãnh nước. Chúng tôi hỏi thanh long bị bệnh gì mà phải đốn bỏ thì không nhà vườn nào biết.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ở xã Long Trì, buồn bã nói: “Người gọi đốm trắng, người gọi đốm nâu. Một số người thấy vết sần sùi thì gọi là bệnh tắc kè hoặc “bệnh ma” vì hôm trước không thấy, hôm sau phát hiện thì đã lan ra cả vườn. Bà con ở đây đã sử dụng rất nhiều cách để chữa nhưng không có hiệu quả”.
Theo ông Tuấn, ai bày gì ông cũng bắt chước làm theo, từ phun vôi, cắt dây đốt, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh nhưng đến nay vẫn chưa chặn được bệnh lây lan. Đợt thanh long mới thu hoạch xong, 100% trái đều bị sần sùi, ông Tuấn phải bán hàng dạt chỉ có 500 đồng/kg, trong khi trái đẹp tới 10.000 đồng/kg nên thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Cạnh đó, nhiều vườn thanh long khác cũng cùng cảnh ngộ. Có vườn trống huơ trống hoác vì dây đã bị bệnh ăn trụi, vườn khác một số gốc thanh long bị ngã nhưng chủ vườn cũng chẳng thèm ngó.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Long An, đây là bệnh đốm trắng. Bệnh này hiện đã gây hại hơn 860ha thanh long của tỉnh. Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Thuận cũng xác nhận có hơn 820ha thanh long ở tỉnh này “dính” bệnh tương tự. Vùng thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng bắt đầu hứng chịu đợt dịch bệnh này khi đã có hơn 10ha bị bệnh.
Sâu bọ tấn công cây dừa
Cây dừa ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang đang gồng mình chống chọi cùng lúc ba loại dịch hại là: bọ vòi voi, sâu đục trái và nhện hại dừa. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre, cho biết một phát hiện mới đây cho thấy bọ vòi voi không chỉ cắn phá trên trái, thân mà còn tấn công rễ cây dừa. “Sự chuyển hướng tấn công này rất nguy hiểm và khó phòng trừ hơn” - bà Nguyệt nói.
Đáng ngại nhất là sâu đục trái và nhện hại dừa là hai loài mới chưa được định danh, chưa có công trình nghiên cứu nào về biện pháp phòng trừ. Sâu đục trái gây thiệt hại khi trái còn rất nhỏ làm hư trái dừa và rụng hàng loạt, thậm chí có cây bị rụng hết trái. Còn nhện hại dừa thì làm rụng hoa. Ngành bảo vệ thực vật “lên ruột” khi phát hiện có sự “hợp tác” giữa sâu đục trái và bọ vòi voi tàn phá vườn dừa thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Các nhà khoa học thừa nhận đang lúng túng với hai loài này.
Chúng tôi gặp nhiều nông dân trồng dừa ở Bến Tre, ai cũng tỏ ra lo lắng không biết làm gì để trị ba loại dịch hại nói trên. Nhiều người cũng không hiểu vì sao dừa non và bông dừa lại rụng bất thường như hiện nay.
Tại vườn dừa của ông Lương Minh Chánh (xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre) có vô số trái dừa non và bông dừa la liệt dưới đất. Ông Chánh ước tính có khoảng 20% trái và bông bị rụng và khoảng 20% trái khác thu hoạch nhưng không thể bán do vỏ bị chảy nhựa làm chất lượng nước giảm sút.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre, bọ vòi voi đã gây hại khoảng 5.000ha dừa, nhện hại dừa tấn công gần 1.000ha và sâu đục trái cũng gây hại gần 1.000ha. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, con số này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” vì thực tế diện tích bị thiệt hại còn lớn hơn nhiều.
Tiếp tục... nghiên cứu!
Ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết biến đổi khí hậu, lạm dụng thuốc hóa học là nguyên nhân hàng đầu khiến dịch hại tăng nhanh và có dấu hiệu phát tán nghiêm trọng trên các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ông Cường giải thích: “Thực tế cho thấy cây trồng có sức đề kháng tốt, không lạm dụng phân, thuốc hóa học thì khả năng chống chọi đối với bệnh hại cao hơn. Vì vậy hiện nay các biện pháp canh tác sinh học vẫn được ưu tiên áp dụng nên nhà vườn cần bình tĩnh, không nên lạm dụng việc phun thuốc hóa học”.
Trước mắt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã ban hành một số quy trình tạm thời hướng dẫn người dân phòng trừ sâu đục trái, bệnh đốm trắng hại thanh long và bọ vòi voi hại dừa. Riêng quy trình phòng trừ nhện hại dừa và sâu đục trái dừa còn đang tiếp tục... nghiên cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc, nguyên giảng viên khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường đại học Cần Thơ, khuyến cáo: “Nhà vườn không nên can thiệp thuốc hóa học tối đa mà phải thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp. Bao trái, vệ sinh vườn, đồng loạt tiêu diệt nguồn lây truyền mới có thể khống chế dịch bệnh. Nếu có điều kiện thì nên nuôi kiến vàng để tiêu diệt các tác nhân gây hại và giúp trái ngọt hơn”.
Nghiên cứu chậm chạp do cơ chế tài chính
Tại hội thảo về dịch hại và tiến độ nghiên cứu một số dịch hại chính trên cây trồng ở các tỉnh phía Nam giữa tháng 6-2013, ông Nguyễn Xuân Hồng (cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật) cho rằng công tác nghiên cứu hiện nay còn khá chậm chạp do cơ chế tài chính. Muốn thực hiện đề tài nghiên cứu phải đăng ký, xếp hàng chờ duyệt, như vậy rất mất thời gian. Vừa qua, cục đã đề xuất và được sự nhất trí của Bộ Khoa học - công nghệ là sẽ có một quỹ kinh phí nghiên cứu riêng dành cho các bệnh hại mới, nguy hiểm. Khi phát hiện là các nhà khoa học có thể bắt tay vào nghiên cứu ngay. Như vậy mới mong ngăn chặn dịch bệnh sớm và giảm thiệt hại cho người dân.