Việc dùng điện hạ thế để bẫy chuột là rất nguy hiểm cho chính mình và người dân khi vướng phải bẫy điện.
Những chiếc bẫy chuột thế này có thể gây nguy hiểm cho con người |
Bẫy tử thần bảo vệ hoa màu
Lâu nay ở nhiều vùng nông thôn, nạn chuột hoành hành phá hoại lúa khiến người nông dân một nắng hai sương “ăn không ngon, ngủ không yên”. Trước nạn giặc chuột, không ít người dân đã “sáng chế” ra bẫy điện nhằm bảo vệ lúa. Bình Định là địa phương liên tiếp xảy ra những vụ chết người do bẫy điện tử thần trong những năm gần đây.
Chiều ngày 9/6/2013, bà Trần Thị Hồng (56 tuổi), ngụ tại xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, Bình Định) giăng bẫy điện diệt chuột nhưng do bất cẩn, bà bị điện giật chết tại ruộng lúa của mình trong tư thế nằm sấp, cánh tay trái dính sợi dây điện oan nghiệt.
Những tưởng sau cái chết của bà Hồng, người dân Hoài Ân sẽ ý thức hơn trong việc sử dụng điện. Vậy mà mấy ngày nay, khi đã đến giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông, người dân lại giăng bẫy chuột để hạn chế chuột cắn phá. Trước đó, do chuột cắn phá hoại lúa của gia đình nên một nông dân ở huyện Phù Cát (Bình Định) đã tự chế một chiếc bẫy chuột điện giăng ngoài ruộng. Tai nạn đã xảy ra khi chính ông Nguyễn Thanh Tân (60 tuổi) vướng bẫy, tử vong dưới đám ruộng lúa của gia đình. Ông Tân làm một chiếc bẫy chuột bằng điện, kéo điện từ nhà đấu vào 2 đầu dây kẽm giăng ngoài ruộng. Không ngờ chính ông Tân lại bị mắc bẫy. Tại xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cũng xảy ra một vụ chết người tương tự. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Dương (27 tuổi), bị vướng vào bẫy chuột do một người hàng xóm chế bằng điện.
Không những chỉ người gặp tai nạn mà vật nuôi cũng không thoát. Đầu năm 2003, tại địa bàn xã Ân Mỹ (Hoài Ân), một con trâu 2 năm tuổi sổng chuồng chạy ra cánh đồng đã vướng bẫy điện của một hộ dân kéo diệt chuột, con trâu trị giá hàng chục triệu đồng đã dính bẫy chết. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương buộc hộ này tháo gỡ chiếc bẫy điện tử thần, đồng thời buộc bồi thường cho chủ nhân có con trâu bị chết.
Ghi nhận của chúng tôi, tại huyện Hoài Ân (Bình Định) có đầy rẫy những cái bẫy điện ngang dọc trên mặt ruộng. Để bảo vệ ruộng lúa khỏi bị chuột cắn phá, bà con nông dân nơi đây đã kéo điện hạ thế từ nhà ra ruộng, rồi dùng dây kẽm căng quanh đám ruộng, cách mặt nước chừng 3cm nhằm diệt chuột. Họ gắn những bóng điện “trái ớt” nhằm “báo động đỏ” những nơi có bẫy điện.
Khi chúng tôi hỏi họ có biết Nhà nước nghiêm cấm việc dùng điện để bẫy chuột không? Họ trả lời chắc nịch về việc làm phi pháp luật của mình: “Chính quyền có thông báo nghiêm cấm và biết là nguy hiểm, nhưng chuột phá quá nên vẫn lén làm, chừng nào bắt thì mình tháo”.
Thực trạng cấm sử dụng bẫy tử thần trong nông nghiệp không ăn thua
Gọi là “làm lén”, nhưng bà con thiết kế đường dây điện kéo từ nhà ra ruộng rất bài bản, công khai, cạnh đường bê tông, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy đường dây điện bẫy chuột nằm ngay trên mặt ruộng. Không hiểu sao chính quyền địa phương không thấy? Để hiểu rõ việc giăng bẫy chuột như thế nào, chúng tôi đã đến cánh những cánh đồng xã Ân Hữu (Hoài Ân) vào ban đêm. Tại đây, sau khi kéo dây xung quanh bờ ruộng, pha dương nguồn điện được đấu nối vào đường dây chạy dọc bờ ruộng, còn pha âm đấu xuống mặt đất. Khi nhìn những luồng ánh sáng phát ra từ những bóng đèn quả nhót xanh, đỏ này, ít ai biết được đây là đèn báo hiệu nơi có bẫy điện đang hoạt động.
Để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc, thay vì sử dụng điện lưới diệt chuột, bà con nông dân nên sử dụng các biện pháp như đặt “bẫy kẹp”, trộn lúa với thuốc chuột hoặc huy động lực lượng ra quân diệt chuột. Về phía chính quyền địa phương, cần kiểm tra, ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng điện để bẫy chuột. Mong rằng ngành chức năng và chính quyền cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình diệt chuột và tập huấn để nông dân nắm bắt, làm theo và tuyệt đối nghiêm cấm sử dụng điện để bẫy chuột.