Cùng tìm hiểu các bí mật của loài kiến chỉnh mật ... có hai dạ dày mà một dùng để chứa mật dự trữ cho cả tổ. Bụng nó to phệnh như một quả nho, khiến không còn đi lại được nữa và đeo dưới trần một căn phòng suốt cuộc đời
Loài kiến chỉnh mật |
Các bí mật của loài kiến bé nhỏ trong thế giới tự nhiên
Vài chục ngàn năm qua, con người mới biết chăn nuôi, canh tác và dự trữ lương thực. Nhưng, từ trước hàng triệu năm, kiến đã biết và từng thực hiện những công tác này, cùng truyền nối cho đến ngày nay. Còn nhiều bí mật của loài kiến đã làm các nhà bác học điên đầu...
* Bí mật loài kiến chủ nhân
Trong họ nhà kiến có một giống vô cùng đại lãn, tức lười biếng thật cùng cực, ăn cũng muốn có kẻ khác và vào miệng. Đó là kiến Amazone. một giống kiến sinh sống bên giòng sông Amazone Nam Mỹ. Sự thực giống này có hàm răng quá quặp, chỉ có thể để chiến đấu, cắn xé và bắt giữ kẻ thù thì hiệu nghiệm, nhưng còn lo cho mình như ăn uống thì lại rất khó khăn. Do vậy chúng phải săn bắt các giống kiến khác về phục dịch, làm nô lệ cho mình. Trong một ổ kiến loại này, người ta tìm thấy một con kiến chủ có đến 5 hay 6 con kiến nô lệ hầu hạ. Trong xã hội loài người không bao giờ có cảnh một người khỏe mạnh lại để cho người khác đút mớm, ăn uống, trừ những người bị ốm yếu, bệnh tật. Ấy vậy mà trong loài kiến lại có và đồng đều cả một xã hội như vậy.
Ngoài giống kiến Amazone có hàm răng đặc biệt không kể, còn một giống kiến “Chủ nhân” đã cậy khỏe bắt giống kiến khác về làm nô lệ. Đó là giống kiến thuộc loại Formicinae. Chúng mới thật là kẻ ăn no rững mỡ và giàu sang sinh phú quí và kết cục đâm lười biếng, ươn hèn. Đầu tiên mới lập quốc, chúng cũng xông xáo làm việc và tự kiếm mồi. Nhưng chúng thường hay tấn công sang các ổ kiến khác để cướp trứng và bắt những ấu trùng đem về tổ mình dành làm lương thực. Vì bắt quá nhiều ăn không hết, một số ấu trùng trở thành kiến và lớn lên trước khi bị giết. Chính loại kiến này quen hơi tổ mình sinh sống, không hề biết gốc tích mình. Chúng bắt đầu giúp việc cho kiến chủ. Chúng tự làm hết việc, nên kiến chủ nhân trở thành lười biếng. Cuối cùng chúng trở thành một thứ ký sinh trùng ăn bám vào đoàn kiến nô lệ, chỉ ở trong tổ, vễnh râu, chờ tụi kiến nô lệ đút mớm ăn uống.
* Bí mật loài kiến chỉnh mật
Có một loại kiến có một phương cách dự trữ lương thực thật đặc biệt. Đó là loại kiến có hai dạ dày. Một dạ dày dùng để tiêu hóa đồ ăn cho chính nó và một dạ dày dùng để chứa lương thực cho toàn ổ kiến. Không như loài ong có ổ bằng sáp để chứa mật, giống kiến “Chỉnh mật” này đã dùng chính thân mình để dự trữ. Kiến này thường sinh sống ở miền khô ráo, từ Bắc thành phố Mexico cho đến vùng Nam tiểu bang Idaho. Nơi đây kiến cũng hút nhụy hoa để sản xuất ra mật, nhưng vì cả năm trời chỉ hoạt động được thời gian ngắn, tức về mùa hè những lúc trời mưa và khoảng thời gian khi mùa thu mới bắt đầu. Do vậy nếu không có cách dự trữ thì chết, nên kiến chúa có sinh ra những con kiến có hai dạ dày. Những con này lớn lên được tự lập trong một phòng lớn. Chúng nằm đó để chờ những kiến thợ đi kiếm mật về mớm cho mình. Bụng nó càng ngày càng to, đến nổi chúng không thể đi lại được nữa và phải đứng thẳng lên đầu bám vào trần phòng. Dần dần bụng chúng tròn xoe, bóng loáng trông như một chiếc chỉnh đựng mật.
Xã hội kiến cũng rất cẩn thận đã dành cho kiến chỉnh mật nằm ở một phòng ở phía sâu, nơi đó không nóng về mùa Hạ và cũng không lạnh cóng về mùa Đông. Những lúc nào thiếu lương thực, kiến trong tổ chỉ việc tìm đến kiến “chỉnh mật” sẽ nhận được từ mồm nó ứa ra chất mật nhiều dinh dưỡng. Chính những thổ dân xưa kia thường đào những ổ kiến, để tìm bắt các kiến chỉnh mật, để ăn sống nó. họ cho biết mật này rất ngon và bổ.
* Bí mật loài kiến ăn thịt hung dữ
Dữ dằn nhất trong loài kiến là giống kiến ăn thịt hung dữ Driver Ants ở Phi Châu.Giống này không sống định cư ở một chỗ, mà chúng thường kéo hàng đoàn, từ nhiều triệu con, lang bạt giang hồ trong rừng rậm.
Bước chân của chúng không hề biết mỏi mệt, nay đây mai đó, đi đến đâu phá hoại đến đó. Chúng vượt cả biên giới nhiều quốc gia với bước tiến vũ bão. Côn trùng, chim chóc, cả thú vật nhỏ chạy không kịp đều bị giết sạch. Những thú vật lớn và cả người vô tình bị chúng bao vây, không chạy thoát, cũng bị gục ngã và sau thời gian ngắn chỉ còn trơ lại bộ xương. Ngay cả voi, sư tử, chúa của rừng xanh cũng khiếp sợ chạy trốn, không dám ráp mặt với bầy kiến dữ dằn. Những bộ lạc Phi châu khi biết được đoàn kiến tiến tới phải bỏ làng thôn mà chạy. Lúc trở về sẽ thấy nhà mình sạch sẽ, một con côn trùng không còn, ngay cả giống chuột, cả chuột nhắt, lẫn chuột đồng.
Bầy kiến này không hề sợ một thứ gì, chỉ một thứ chúng thua là ánh nắng gay gắt của mặt trời. Sức nóng sẽ giết chúng. Do vậy người ta được biết tại sao đoàn quân kiến chỉ di chuyển ban đêm hoặc trong những ngày u ám, vắng bóng mặt trời. Đặc biệt kiến chúa của của đoàn quân này không có cánh.
Đi đâu, đoàn kiến thợ cũng cõng bà chúa đi cùng và tập trung từng đám đông phục vụ bà. Những chàng kiến đực có cánh cũng đi theo đoàn và chờ những lúc cắm trại mới xum vầy được với bà chúa. Không như những chúa kiến khác, nữ hoàng đoàn quân hung dữ có thể yêu đương với những chàng kiến đực nhiều lần. Bà này có thể sống ít nhất là 5 năm và trong thời gian đó bà đẻ được 1.800.000 kiến con và di chuyển một đoạn đường dài khoảng 70 dặm.
Trong cuộc trường chinh, đoàn quân kiến không ngại ngùng gì cả, gặp suối sâu chúng cũng không dừng bước hay đổi hướng. Không bơi giỏi, chúng tìm cách bắc cầu. Đầu tiên một số kiến dùng hàm răng mạnh mẽ cắn chặt một rễ hay một cành cây của bụi rậm ven suối. Những con kiến khác cắn chặt lấy chân con trước và cứ thế mãi mãi thành một sợi dây dài. Cuối cùng nhờ nước chẩy cuốn một đầu kiến sang bờ bên kia và chúng đã có một chiếc cầu. Đoàn quân kiến tiếp đó cứ tuần tự bước lên cầu mà sang bên kia bờ suối.
Tại miền nhiệt đới châu Mỹ cũng có đoàn quân kiến hung bạo với tên là “Đoàn quân kiến Lê Dương” (Legionary ants). Đặc biệt nhất của giống kiến Driver Ants của Phi Châu và Legionary Antscủa Nam Mỹ là chúng rất nhạy cảm với ánh nắng, nhưng chúng hoàn toàn mù, chỉ hoạt động được nhờ đánh hơi và nhất là nhờ xúc giác từ bộ râu vô cùng nhạy cảm của chúng.