Trong nghiên cứu muỗi truyền bệnh sốt rét, các nhà khoa học về côn trùng đã thực
hiện phương pháp điều tra bằng cách bắt muỗi ở chuồng gia súc vào ban đêm để
thu thập dữ liệu về thành phần loài được đa dạng, phong phú; giúp ích cho việc
nghiên cứu khu hệ muỗi truyền bệnh theo yêu cầu của công tác chuyên môn. Công
việc này đòi hỏi lòng yêu nghề và sự can đảm bởi lẽ nguy hiểm nếu trong đàn
trâu, bò có những con hung dữ tấn công và húc người.
Vai trò quan trọng nghề bắt muỗi rấ nguy hiểm không mấy ai biết
Một số loài muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét thích đốt máu
người, một số loài có khả năng vừa đốt máu người vừa đốt máu súc vật và một số
loài chỉ thích đốt máu súc vật. Cùng với các phương pháp điều tra, giám sát muỗi
truyền bệnh khác; việc bắt muỗi ban đêm ở chuồng gia súc thường mang lại kết quả
khá tốt về dẫn liệu thu thập cả số lượng cá thể muỗi trưởng thành cũng như số
thành phần loài muỗi hoạt động tại địa phương. Phương pháp bắt muỗi ở chuồng
gia súc ban đêm nhằm mục đích xác định những loài muỗi thích đốt máu gia súc,
cung cấp số lượng cá thể muỗi cho việc thử nghiệm đánh giá hiệu lực tồn lưu của
hóa chất diệt côn trùng và các thí nghiệm khác; đồng thời cung cấp các cá thể
muỗi nuôi trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu.
Bắt muỗi trong chuồng gia súc vào ban đêm để nghiên cứu -Nghề bắt muỗi đòi hỏi lòng yêu nghề và sự can đảm. |
Mặc dù muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét bị thu hút bởi nhiều
loài súc vật khác nhau nhưng mỗi loài muỗi chỉ lựa chọn một số vật chủ ưa thích
để đốt máu. Phương pháp bắt muỗi ở chuồng gia súc ban đêm thường căn cứ trên yếu
tố đặc điểm này vì loài muỗi thích đốt máu trâu, bò sẽ bị thu hút bởi trâu, bò
nên chúng bay về phía chuồng trâu, bò để đốt mồi. Do đó, phương pháp điều tra bắtmuỗi ở chuồng gia súc ban đêm rất có hiệu quả vì đáp ứng được yêu cầu của công
tác khảo sát, nghiên cứu mà chúng đòi hỏi phải có một số lượng cá thể muỗi trưởng
thành bắt được trong một thời gian ngắn.
Các cán bộ, kỹ thuật viên côn trùng thường chọn chuồng trâu,
bò có càng nhiều trâu, bò nhốt ở trong chuồng càng tốt; vị trí chuồng phải ở gần
các ổ nước có ổ bọ gậy của muỗi, gần bìa rừng, kín gió... Chuồng có mái lợp,
chung quanh có thanh rào chắn bằng tre hoặc gỗ để giữ không cho trâu, bò ra khỏi
chuồng. Thời gian bắt muỗi ở chuồng gia súc được quy định vào ban đêm từ 6 giờ
chiều cho đến 24 giờ khuya. Tuy vậy, tùy theo mục đích điều tra để quyết định
việc bắt muỗi vào khoảng thời gian thích hợp.
Có hai cách bắt muỗi chủ yếu ở chuồng gia súc vào ban đêm là
bắt muỗi đang đốt máu trên trâu, bò và bắt muỗi đang đậu trên cây, cỏ, hàng
rào, thanh rào chắn chung quanh chuồng và trên mái của chuồng. Mỗi đợt bắt muỗi
thường kéo dài khoảng 20 - 30 phút, sau đó nghỉ chừng 10 - 20 phút rồi tiếp tục
đợt bắt muỗi tiếp theo. Muỗi bắt được sắp xếp riêng theo giờ, theo chuồng để dễ
dàng theo dõi và phân tích dữ liệu.
Xử lý muỗi thu thập bằng cách xác định thành phần loài muỗi
bắt được. Tùy theo yêu cầu, mục đích điều tra mà tiến hành xử lý muỗi một cách
phù hợp. Nếu mục đích bắt muỗi để thử nghiệm sinh học, xác định mức nhạy cảm của
muỗi đối với hóa chất và đánh giá hiệu lực diệt tồn lưu của hóa chất thì nhất
thiết phải chọn lọc những con muỗi khỏe mạnh, cơ thể còn nguyên vẹn, không có vật
ký sinh... để sử dụng. Bảo quản muỗi thu thập ở thực địa mang về phòng thí nghiệm
phục vụ cho các công tác nghiên cứu khác nhau phải bảo đảm quy trình quy định.
Mật độ muỗi bắt được bằng phương pháp điều tra ở chuồng gia súc vào ban đêm được
tính theo số con/chuồng/đêm hoặc số con/người/đêm hay số con/người/giờ.
Phương pháp bắt muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét ở chuồng
gia súc vào ban đêm có tác dụng là thu thập được thành phần loài muỗi đa dạng
hoạt động tại thực địa nên rất có ích cho việc nghiên cứu về khu hệ muỗi truyền
bệnh tại đây. Đồng thời, số lượng muỗi trưởng thành bắt được khá nhiều nên đây
là phương pháp thu được mẫu vật rất hữu hiệu để cung cấp muỗi phục vụ cho các
thử nghiệm như thử nhạy - kháng hóa chất, thử tồn lưu diệt của hóa chất, cung cấp
chủng loại muỗi để nuôi trong phòng thí nghiệm,...
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét |
Cũng như phương pháp mồi người bắt muỗi ban đêm, phương pháp điều tra bắt muỗi ở chuồng gia súc vào ban đêm cũng là công việc hết sức vất vả, đòi hỏi lòng can đảm và đôi khi khá nguy hiểm đối với cán bộ, kỹ thuật viên côn trùng nếu trong đàn trâu, bò có những con mang tính hung dữ thích tấn công người khi họ làm nhiệm vụ soi đèn, bắt muỗi tại đây để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Có không ít trường hợp cán bộ, kỹ thuật viên côn trùng đã vứt bỏ đèn pin, dụng cụ bắt muỗi... nhảy khỏi thanh rào chắn, tháo chạy khỏi chuồng gia súc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình khi bị trâu, bò lên cơn hung dữ húc đuổi và tấn công vì công việc nghiên cứu thầm lặng phục vụ cho khoa học. Phương pháp điều tra này có nhược điểm là không bắt được hoặc bắt được rất ít những loài muỗi thích đốt máu người vì chúng có tập tính chỉ ưa thích đốt máu súc vật.
TTƯT. BS. Nguyễn Võ Hinh