Biến đổi khí hậu khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển . |
Nguyên nhân tạo điều kiện cho các loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển
Ý thức của người dân trong phòng chống sốt xuất huyết chưa cao, thói quen trữ nước sinh hoạt trong gia đình còn phổ biến, sự biến đổi môi trường, biến đổi khí hậu và ấm lên của toàn cầu…
Tình trạng muối truyền sốt xuất huyết tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như trên tại Hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống sốt xuất huyết giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN vừa diễn ra sáng nay (14-6), tại Hà Nội.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sốt xuất huyết. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành thì có tới khoảng 1,8 tỷ người (70%) sống tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Những năm gần đây, tình hình muỗi truyền bệnh luôn có xu hướng tăng và duy trì số mắc ở mức cao tại hầu hết các nước thành viên ASEAN, trong khi những khó khăn và thách thức của công tác phòng chống sốt xuất huyết vẫn còn tồn tại. Đó là bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, việc phòng chống bệnh dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức cộng đồng. Sự thay đổi, ấm lên của khí hậu toàn cầu đã làm cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Các nước thành viên ASEAN trong đó có Việt Nam đang quan tâm đến việc đưa ra các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong của căn bệnh này.
Tại Hội thảo, hơn 100 đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống sốt xuất huyến đến từ các nước ASEAN tập trung thảo luận những giải pháp để giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực. Các nội dung bao gồm: tăng cường năng lực phòng chống sốt xuất huyết một cách hiệu quả và bền vững; vấn đề huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, chính quyền địa phương của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội vào các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết; sự hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống sốt xuất huyết; vấn đề phát triển vắc-xin, vấn đề sử dụng tác nhân sinh học trong phòng chống sốt xuất huyết…
Tổ chức ASEAN và Tổ chức Y tế thế giới đã thống nhất chọn ngày 15-6 hàng năm là Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Việc ASEAN lấy ngày 15-6 hàng năm là ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ và là một bước tiến quan trọng của các nước thành viên trong việc hợp tác và chung tay đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.
Năm nay, Việt Nam đăng cai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết cấp khu vực lần thứ ba. Ngoài hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phòng chống sốt xuất huyết giữa các quốc gia trong khu vực diễn ra ngày hôm nay, vào ngày mai 15-6, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức Lễ mít-tinh phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết.