4 thg 7, 2013

Trứng kiến “soán ngôi”... Viagra?

Dân sành ẩm thực ưa thích những món ăn chế biến từ trứng kiến không chỉ vì chúng lạ, ngon mà còn để được chinh phục cảm giác của chính mình.
Giới nhà hàng quả khéo biết khơi gợi trào lưu ăn uống khi lăng xê các loại côn trùng đồng nội như dế, bò cạp vào trang món "độc". Gần đây, trong thực đơn của nhiều nhà hàng, những món ăn được làm từ trứng kiến, kiến bống, nhộng ong rừng... đang trở thành món ăn đặc sản hiếm có, khó tìm. 

Ăn trứng kiến có lợi cho sức khỏe

Gần đây, theo quảng cáo của nhiều nhà hàng, các món đặc sản từ trứng kiến lửa có lợi cho sức khỏe, giảm stress, tăng cường sinh lý... Cũng vì chiêu quảng cáo "bùi tai" này mà cánh mày râu đổ xô đến nhà hàng để thưởng thức món đặc sản trứng kiến với mong muốn... tăng cường sinh lý.
trung kien, trứng kiến,

PV Người đưa tin đã tìm đến nhà hàng N.H (Đặng Thai Mai, Hà Nội) để mục sở thị loại đặc sản độc và lạ này. Khi đĩa trứng kiến cuốn lá lốt được mang ra, không thể cưỡng lại mùi thơm PV can đảm gắp thử một miếng, chấm ít muối tiêu chanh, cho vào miệng nhai cấp tốc, nuốt cái ực. Quả thực món đặc sản trứng kiến khá ngon và béo ngậy.
Hiện ở Hà Nội, rất nhiều nhà hàng đã đưa món trứng kiến vào thực đơn món ăn "độc, lạ" của mình. Theo lời kể của Thùy Anh- chủ cửa hàng Q.K (Nghi Tàm - Hà Nội), trứng kiến có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như trứng kiến chiên bơ, chiên sốt hành, xào cay, cuốn lá lốt, canh trứng kiến cá giòn, lươn nấu trứng kiến, bánh trứng kiến... Nhiều thực khách đến cửa hàng đã mê mẩn món xôi ở đây bởi vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, thơm dẻo của xôi nếp. Giá của các món ăn chế biến từ trứng kiến dao động từ 300-700 nghìn đồng tùy món.
Cùng với độ độc và lạ, các món ăn từ trứng kiến vì thế cũng khá khó khăn để tìm kiếm nguyên liệu. Theo tìm hiểu của PV, đang vào mùa trứng kiến, nhiều thương lái đã cất công buôn trứng kiến từ Phú Thọ, Bắc Giang, Cao Bằng, Yên Bái... về để cung cấp cho các nhà hàng đặc sản ở Hà Nội. Trứng kiến phổ biến có hai loại đen và vàng song trứng kiến vàng ít được sử dụng vì khi chế biến thường có mùi hắc, khó ăn. Kiến đen to, thượng làm tổ ở trên cây (còn gọi là kiến ngạt, kiến gai đen - PV) là loại được ưa chuộng vì chúng rất bùi và ngọt.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết, mùa trứng kiến bắt đầu từ tháng 3 âm lịch và chỉ kéo dài trong vòng 1, 2 tháng. Hằng năm vào mùa trứng kiến chị lại đi bắt tổ kiến để cung cấp xuống các nhà hàng ở Hà Nội. "Để có được 1kg trứng kiến cũng phải mất đến nửa ngày đi rừng, hôm nào may mắn thì tìm được nhiều tổ thì cũng hơn được mấy kg. Thông thường mỗi tổ kiến to bằng cái mũ cũng chỉ đãi được 1- 2 lạng trứng. Không phải trứng của loại kiến nào cũng có thể ăn được nên người tìm kiếm phải có những cách riêng để phân biệt. Kiến cho trứng lành thường cắn không đau và không độc như các loài kiến khác" - chị Hoa chia sẻ kinh nghiệm.

Nói về quá trình lấy trứng kiến, chị Hoa cho biết, bắt tổ kiến không quá khó khăn nhưng phải có kỹ thuật. Khi tìm thấy tổ kiến cần phải khéo léo đuổi kiến đi, sau đó dùng tay vỗ vỗ cho trứng kiến rụng ra. Để kiến bỏ đi nhanh và không tha theo trứng người ta thường cho thêm lá cây vào chậu. Nói về bí quyết tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng, chị Hoa tiết lộ phải lựa được những tổọ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng bên trong sẽ rất nhiều và ở độ căng tròn mọng sữa".
Theo tìm hiểu của PV, giá trứng kiến dao động từ 250 - 300 nghìn đồng/kg. Trứng kiến bán cho các nhà hàng thì đắt đỏ là vậy, nhưng tại các chợ vùng cao, một cân trứng kiến cũng chỉ tương đương giá một ký thịt lợn ngon. Thế mới biết, đặc sản là... vô giá!

Trứng kiến giảm stress, tăng cường sinh lý

trung kien, trứng kiến,
Đặc sản trứng kiến được rao bán tại nhiều chợ vùng cao 


TS. Nguyễn Thị Vân Thái, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, các thử nghiệm lâm sàng trên người tiến hành năm 2002 - 2006 cho thấy bệnh nhân sử dụng rượu ngâm trứng kiến gai đen có cải thiện về sức khỏe, thần kinh. Thử nghiệm trên một nhóm người tình nguyện khác cũng cho thấy, trứng kiến gai đen có tác dụng tăng cường năng lượng cho người lao động trí óc, người suy nhược cơ thể, tăng cường chức năng sinh lý, hỗ trợ chứng suy giảm sinh dục của nam giới hay các vấn đề về cơ, xương, khớp, xua tan căng thẳng, mệt mỏi lo âu. 
Tuy nhiên, TS. Thái cũng cho rằng, không phải loại trứng kiến nào cũng sử dụng để chế biến thực phẩm được. Trứng kiến thực chất là ấu trùng kiến, chính vì vậy mà tỷ lệ đạm rất cao, nhiều chất bổ, tuy nhiên một số người ăn có thể bị dị ứng. Cũng có những loại trứng kiến độc khi ăn vào sẽ gây hại đến sức khỏe của con người. Vì thế, trước khi ăn đặc sản, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc để tránh rước họa vào thân.

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.