28 thg 6, 2013

NUÔI… MUỖI CỨU NGƯỜI

Nuôi muỗi tìm ra phương thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) mới, các nhà khoa học phối hợp với người dân trên đảo Trí Nguyên (Khánh Hòa), nuôi… muỗi nhằm nhân giống loại muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia.
Nghiên cứu “Thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên bằng quần thể muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia nhằm giảm lây nhiễm virus Dengue gây SXH tại đảo Trí Nguyên” do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 4/2013, sẽ có tổng số khoảng 200.000 bọ gậy (ấu trùng của muỗi) mang vi khuẩn Wolbachia được đưa từ đất liền ra đặt vào lọ nước trong nhà các hộ trên đảo.
nuôi muỗi, nuoi muoi,

Wolbachia là vi khuẩn nội bào tồn tại tự nhiên trên hơn 70% loài côn trùng trên trái đất. Khi muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia thì khả năng bị nhiễm virus dengue (gây SXH) giảm. Vì thế, nếu muỗi mang Wolbachia thay thế hoàn toàn muỗi Aedes aegypti tự nhiên thì sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lan truyền dịch SXH trong cộng đồng. Sau 3 tháng, đảo Trí Nguyên sẽ có một quần thể muỗi vằn mang Wolbachia. Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới thử nghiệm tác nhân sinh học này để phòng chống bệnh SXH, sau Australia.

NUÔI MUỖI ĐỂ MUỖI ĐỐT NHẰM THUYẾT PHỤC NGƯỜI DÂN

Lẽ thường, để phòng bệnh SXH phải diệt muỗi, chứ ai lại đi nuôi muỗi và để người khác hằng ngày đến đặt tổ muỗi trong nhà mình. Cách làm khác người này, nếu người dân không hiểu, sẽ không thể thực hiện. Vì thế, để có thể cùng làm việc với người dân trên đảo, phương châm của các nhà khoa học là lắng nghe và cùng bàn bạc, tôn trọng ý kiến người dân.
Tuy không phải địa bàn “nóng” về SXH nhưng mỗi năm đảo Trí Nguyên cũng có 10 - 15 người mắc bệnh và đã có ca tử vong. Kiến thức phòng SXH của người dân trên đảo còn hạn chế. Nhiều người cho rằng, chỉ bị SXH khi ở bẩn, sống trên núi cao thoáng đãng, sạch sẽ thì không thể mắc. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã tổ chức các buổi nói chuyện để nâng cao kiến thức phòng bệnh của người dân. Theo bà Nguyễn Thị Yên, do nhiều người dân trên đảo ít được tham gia các hoạt động văn hóa, đoàn thể nên khi các nhà khoa học đặt vấn đề hợp tác vì lợi ích phòng bệnh, họ rất coi trọng. Họ đã đồng ý để nhóm nghiên cứu hằng tuần mang lọ quăng đến đặt tại nhà mình.
Nắng nóng năm nay dường như đến sớm hơn trên đảo Trí Nguyên, trùng với thời điểm dự án bắt đầu đặt bọ gậy. Đúng lúc đó, tự dưng hơn 10 người trên đảo lên cơn sốt, thậm chí đàn ông đi biển mấy chục năm nay không ốm cũng lăn ra sốt. Chị Hồ Thị Ánh, có chồng bị bệnh, lo lắng: “Liệu chồng tôi sốt có phải do muỗi của dự án đốt không? Tôi không muốn mang lọ lăng quăng vào nhà nữa”. Thế là cán bộ dự án lại đến từng gia đình và hỏi rõ mọi người sốt trong bối cảnh nào và thấy nhiều người đã ốm từ khi đi biển, vì trời nóng quá.
Chị Nguyễn Hoàng Lê, Trưởng phòng Thí nghiệm côn trùng y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã hướng dẫn người dân đi khám bệnh, đồng thời giải thích rõ không phải do muỗi Wolbachia, bởi muỗi đưa trở lại đảo chính là muỗi gốc ở đảo được cấy vi khuẩn. Để thuyết phục người dân, bà Nguyễn Thị Yên, cán bộ dự án, đã cho muỗi đốt vào chân và tay mình. Sau khi chứng kiến cán bộ dự án bị muỗi đốt mà vẫn không sao, chị Ánh cùng nhiều người dân mới tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học.
Chị Dương Thị Thu Hương, cán bộ tư vấn tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho dự án, nhớ lại: “Những ngày đầu khi tiếp xúc với người dân đảo, tôi không khỏi thấy bối rối, vì họ đều lắc đầu không hiểu “muỗi đốt”, hay “muỗi cắn” là gì. Hóa ra ở đây người dân nói “muỗi chích”. Còn muỗi vằn thì bà con gọi là muỗi “zằn”. Vì thế, để có thể cùng làm việc với người dân, điều đầu tiên mà chúng tôi phải học là học ngôn ngữ, tập tục, thói quen của người dân đảo”.
Sau 5 tháng đặt bọ gậy chứa ấu trùng Wolbachia tại đảo Trí Nguyên, các nhà khoa học đặt mục tiêu mật độ muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia trên đảo sẽ đạt trên 95%. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi khả năng duy trì quần thể muỗi trong thời gian 1 năm tiếp theo. Nếu mật độ muỗi liên tục ổn định, việc thử nghiệm trên đảo được coi là thành công. Dự kiến khi đó, việc nghiên cứu nhân giống muỗi Wobachia nhằm mục đích phòng chống SXH sẽ được nhân rộng ở một số thành phố lớn, mật độ dân cư đông ở miền Trung và miền Nam. 
nuôi muỗi, nuoi muoi,

Bọ gậy chứa vi khuẩn Wolbachia cấy muỗi từ đất liền lên đảo

Ngoài ra, để công việc diễn ra thuận lợi, những người làm khoa học phải lựa và tôn trọng những tập tục, kiêng kỵ của người dân nơi đây. Hầu hết đàn ông ở Trí Nguyên đi biển. Trong khi “có chồng đi biển, hồn treo cột buồm”, khiến người dân nơi đây rất coi trọng việc thờ cúng. Sáng ngày rằm, mồng 1, các gia đình đều tập trung làm cơm, không ai muốn có người lạ vào nhà. Trong khi đó, sáng thứ 4 hằng tuần là thời điểm đặt bọ gậy. Nếu thứ 4 trùng vào ngày rằm hay mùng 1, không ai muốn các nhà khoa học mang lọ lăng quăng vào nhà mình. Vì thế, nếu ngày đặt lăng quăng đúng dịp đầu tháng hay rằm, những người làm dự án phải biết “ý”, đặt lọ quăng trước cổng mỗi gia đình, chủ nhà sẽ mang vào giúp.

nuôi muỗi, nuoi muoi,

Kiểm tra các lọ đựng bọ gậy muỗi trước khi chuyển đến nhà dân để nuôi

Thời gian đặt muỗi chứa Wolbachia kéo dài đến hết tháng 6 này. Chắc chắn, các nhà khoa học còn không ít khó khăn. Tuy nhiên, những người tham gia dự án đều quan niệm: “Trên con đường nghiên cứu khoa học sẽ không chỉ có “hoa hồng”, càng khó khăn, thành công đạt được sẽ càng quý giá và có ý nghĩa”. 

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.